Cảm thấy mệt mỏi quá sớm trong ngày là một vấn đề thường gặp với nhiều người, đặc biệt là dân công sở. Tuy nhiên, lại không nhiều người thực sự biết cách đối phó và tránh xa những sự mệt mỏi đó. Dưới đây là một vài bí kíp rất đơn giản về việc thay đổi thói quen mỗi ngày của các bạn để tăng thêm năng lượng cho cơ thể cũng như cuộc sống của mình.
Uống đủ nước
Nếu bạn đột nhiên cảm thấy mệt mỏi trong ngày, thì bạn nên uống nước. Việc mất nước có thể xảy ra mà không cần báo trước, dễ khiến bạn cảm thấy kiệt quệ, suy sụp tinh thần và thiếu tỉnh táo. Hơn nữa, cơ thể thiếu nước sẽ gia tăng cơn thèm những đồ uống có hại như đồ có đường và caffeine, kết cục là cơ thể sẽ càng thiếu nước hơn. Bạn nên uống nước đều đặn suốt cả ngày dài để cân bằng cho cơ thể, giúp gia tăng tỷ lệ trao đổi chất.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất ngày
(Ảnh: Cooking Light)
Nhiều nghiên cứu cho thấy người ăn sáng có xu hướng khỏe mạnh hơn, ít có khả năng bị thừa cân béo phì và có nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính thấp hơn. Bên cạnh đó, bữa sáng là vô cùng cần thiết cho việc cung cấp thêm năng lượng cho một ngày dài, cùng với đó là một hệ thống tiêu hóa khỏe mạnh. Tất cả những gì bạn cần là ăn một bữa sáng đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu để cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng
Tập thể dục
(Ảnh: Cooking Light)
Tập thể dục không phải luôn luôn là một hoạt động thú vị, nhưng nó chắc chắn sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể của bạn. Việc chạy vào buổi sáng trước khi đi làm sẽ giúp bạn cảm thấy tươi mới và tập trung hơn. Chỉ 30 phút vận động mỗi ngày là đủ và chỉ 10 phút đi bộ cũng làm nên những thay đổi tích cực rõ rệt. Tập thể dục còn giúp đốt cháy calo và chất béo, cùng với đó cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
Ngủ đủ giấc
(Ảnh: Kinobody)
Không bao giờ nên xem thường giấc ngủ và lợi ích của chúng với cơ thể bạn. Bạn nên ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm để cho cơ thể bạn nghỉ ngơi và sẵn sàng cho sáng hôm sau. Theo các chuyên gia, nếu bạn ngủ ít hơn 4 tiếng, bạn sẽ khó có thể nào có được giấc ngủ sâu, não không thể thư giãn được tối đa, dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng và suy nhược thần kinh. Một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa cũng giúp bạn lấy lại tinh thần nhanh chóng.
Khai thác sức mạnh của âm nhạc
(Ảnh: Medium)
Các nghiên cứu trên tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới về âm nhạc cho rằng âm nhạc góp phần làm giảm nồng độ cortisol – một loại hormone sản sinh ra trong cơ thể khi bị stress, từ đó giảm được cảm giác căng thẳng. Người nghe tạm thời quên đi cảm giác mệt mỏi, đồng thời cải thiện tâm trạng và tăng sức bền của cơ thể. Khi nghe nhạc, những chuyển động của giai điệu và nhịp đập trong tiết tấu sẽ tác động có ích lên sóng não, gây ra sự cộng hưởng tốt để hình thành tâm trạng tích cực hơn.