Giỏ hàng

LUÔN LUÔN CẬP NHẬT

XU HƯỚNG VÀ LÀM ĐẸP

Bạn đã có ý tưởng mặc gì cho mùa hè này chưa?

Mỹ Anh: “Mình cũng tự hỏi ‘Gen Z là thế nào’?”

Gen Z chỉ nên được hiểu rằng bọn mình rất khác nhau, trong đó điểm chung là năng lượng tích cực và sự tự do thể hiện bản thân.

 

Năm 8 tuổi, lần đầu tiên Mỹ Anh xuất hiện trên sân khấu, song ca cùng mẹ mình - ca sĩ Mỹ Linh. Năm 18 tuổi, cô nằm trong số 10 đề cử chính thức của hạng mục Rising Gen Z tại We Choice Award 2020. 

Những ngày này, Mỹ Anh đang bắt đầu hành trình của mình tại show truyền hình mới mang tên "The Heroes 2021". Cô là thí sinh nhỏ tuổi nhất, nhưng cũng là thí sinh duy nhất đảm nhận cả hai vai trò ca sĩ và sản xuất âm nhạc thay vì kết hợp với một nhà sản xuất khác. 

Từ cô gái nhỏ khép nép bên mẹ khi lần đầu lên sân khấu, Mỹ Anh của 11 năm sau đã tự tin và độc lập hơn, như một chiến binh với cây đàn bass. 

 

Khoảnh khắc nào Mỹ Anh nhận ra mình muốn theo đuổi con đường âm nhạc?

Hồi nhỏ, mình cố gắng tránh xa nghề này càng nhiều càng tốt. Nhiều người nghĩ mình có nền tảng gia đình tốt như vậy, hiển nhiên sẽ chọn con đường ca hát. Nhưng thật ra mình muốn theo điện ảnh, hoặc trở thành bác sĩ thú y. 

Cách đây gần một năm, mình sáng tác và dựng bài “Got you” theo phong cách R&B để hoàn thành dự án tốt nghiệp. Mình nhận được sự cổ vũ rất lớn từ bạn bè và mất vài tháng trau chuốt, cân nhắc kỹ lưỡng để ra mắt rộng rãi dưới dạng một MV ca nhạc. Từ đó, mình có cơ hội gặp gỡ các nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội và cả nước. 

Mình nhận ra mình trưởng thành lên sau mỗi lần được gặp gỡ và học hỏi cách họ tiếp cận âm nhạc. Mình thấy rất vui khi được làm việc này, và dần dần hiểu đây là con đường mình muốn theo đuổi. 

 

Từ album đầu tay “Bài hát cho Bi” cho đến “Bedroom session”, phong cách của bạn đã thay đổi như thế nào?

“Bài hát cho Bi” được thu trong 6 năm. Mỗi năm mình thu một bài, bài đầu tiên lúc 8 tuổi, bài cuối cùng thu âm năm 14 tuổi. Lúc bắt đầu, giọng mình trong và cao. Cho đến bài cuối cùng, giọng mình đã hoàn toàn khác hẳn, trầm và biết cách kiểm soát nhịp thở, cao độ hơn. 

Album đầu tay do bố mình phối nhạc, sản xuất, đạo diễn về cách hát. So với “Bài hát cho Bi”, “The Bedroom session” thực sự là âm nhạc đến từ ý tưởng, quan điểm sống của mình nên album mang hai màu sắc rất khác.

Album này đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức trong mình. Được tiếp xúc với showbiz từ sớm, ban đầu mình nghĩ mình quá nhút nhát và mỏng manh để ở trong môi trường này.

Nhưng nếu chỉ vì thế mà bỏ đi đam mê âm nhạc thì rất phí. Mình nghĩ nó là quá trình mình trưởng thành, nhận ra mọi công việc, mọi lĩnh vực đều có mặt xấu, mặt tốt. Nếu học được cách chấp nhận và sống với cả hai mặt tốt, xấu đó thì mình sẽ vui vẻ thôi.  

 

Người nghệ sĩ truyền cảm hứng nhất cho bạn? 

Esperanza Spalding là nguồn cảm hứng rất lớn với mình, đó là lý do vì sao mình học cách vừa đánh đàn vừa hát. 

Đánh bass được biết đến khá phổ biển trong vai trò của những nhạc công nam. Nhưng Esperanza có thể vừa hát vừa đánh bass; đó là điều rất khó. Cô ấy gợi nên hình ảnh người phụ nữ rất mạnh mẽ, tự tin trên sân khấu và thôi thúc mình mong muốn trở thành một người như vậy, nỗ lực để có thể làm được như vậy. 

Ngoài ra, mình hay theo dõi các trang cá nhân của những người làm trong lĩnh vực âm nhạc, thời trang, chụp ảnh, điện ảnh, giám đốc sáng tạo, tìm hiểu cách lên ý tưởng về mặt visual của một set quay, set chụp ảnh. 

Xung quanh mình, các bạn cùng lứa với mình như TLinh, MCK... cũng có rất nhiều ý tưởng táo bạo và sức sáng tạo mạnh mẽ. 

 

Bạn sẽ dùng từ gì để miêu tả thế hệ Gen Z của mình?

Mọi người khi gặp bọn mình thường hay nói “Em có thể làm nó Gen Z một tí được không?” hoặc “Hát kiểu Gen Z một tí được không?”. Mình cũng tự hỏi “Gen Z một tí” là thế nào?

Điều đầu tiên mình nhận ra là: Gen Z bây giờ bị “dán nhãn”. Mọi người thường nhóm Gen Z lại thành một cách sống, cách ăn mặc. Phải thế này thế kia mới là Gen Z, hoặc Gen Z thì phải nói như thế này, dùng từ thế kia. Nhưng mình nghĩ không hoàn toàn chỉ có vậy. 

Với mình, Gen Z không phải tên gọi chung cho cách mình thể hiện cá tính. Nó chỉ nên được hiểu rằng bọn mình rất khác nhau, trong đó điểm chung là năng lượng tích cực và sự tự do thể hiện bản thân. 

 

Năng lượng tích cực và sự tự do ấy đến từ đâu?

Thế hệ chúng mình lớn lên cùng mạng xã hội. Đây là công cụ hiệu quả để mình học hỏi được những kỹ năng khác nhau, biết được những phong cách sống, cách mọi người xung quanh học tập, làm việc, tận hưởng cuộc sống. 

Sự tự do trong việc tiếp cận thông tin cũng khuyến khích chúng mình dễ dàng bộc lộ, thể hiện bản thân nhiều hơn so với các thế hệ trước. 

Chúng mình được truyền cảm hứng bởi những người tự tin thể hiện bản thân, từ đó cũng được cổ vũ để dám mơ ước, dám hành động nhiều hơn. 

Dự án Fantasy dream mà mình tham gia gần đây cũng truyền tải thông điệp ý nghĩa đó thông qua những sáng tác của nghệ sĩ Hàn Quốc Kim Da Jeong. Cô ấy sử dụng những gam màu rực rỡ, tươi sáng và sự chuyển động không ngừng của những quả bông cổ vũ để khơi dậy tinh thần hứng khởi của thế hệ trẻ. 

 

Và Gen Z cũng có những áp lực của riêng mình?

Không biết điều này có khiến mọi người bất ngờ không, nhưng chúng mình có áp lực là phải hoàn hảo. Gen Z bị áp lực bởi nhau và muốn được như nhau. 

Vì mọi thứ được tiếp cận quá dễ và quá nhanh, bọn mình có áp lực phải hoàn hảo, phải biết mình sẽ làm gì, sẽ trở thành ai trong vài năm tới. Nhưng bọn mình đều còn rất trẻ.

Trên mạng xã hội, mình được chọn nội dung tốt để đưa lên, lựa chọn những khoảnh khắc đẹp. Mình cho các bạn follower nghĩ rằng mình biết mình đang theo đuổi điều gì, biết mình muốn gì. 

Nhưng đó chỉ là 1% những gì trong cuộc sống của mình. Những gì mình đăng tải lên mạng xã hội chỉ là một phần rất nhỏ. Còn những lúc thất bại, buồn bã hoặc hoang mang khác, mọi người đều sẽ không thấy. 

 

Bạn làm gì để cân bằng trong 99% không được nhìn thấy đó? 

Mình đọc sách của sư thầy Thích Nhất Hạnh. Thói quen này mình được ảnh hưởng từ mẹ, về cách nhìn nhận cuộc sống nói chung từ tinh thần đạo Phật. Điều đó đem lại cho mình cảm giác an tâm, cho mình điểm bám. 

Đạo Phật nhắc nhở mình quay lại khoảnh khắc hiện tại, để không bị cuốn đi. Nhiều người sống ở trong tương lai, bản thân mình cũng vậy. 

Mình luôn chuẩn bị cho bước tiếp theo: học cấp 3 để đỗ Đại học; đỗ Đại học để vươn tới một mục tiêu khác cao hơn, và sau đó nữa. Điều đó khiến chúng ta quên mất những điều làm mình vui hàng ngày. Với mình như vậy nhanh quá. Mình đang cố để bình tĩnh hơn. 

 

Bình tĩnh hơn giúp bạn nhận ra điều gì?

Gần đây mình đọc cuốn Silence của thầy Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách nói về về việc có thể tắt đi những tiếng ồn trong nội tâm thì mình sẽ hạnh phúc hơn. Mình chỉ nên tập trung vào quá trình riêng của mình, biết rõ bản thân mình một chút. 

Trong bộ phim Soul của Pixar, nhân vật John đã dành cả cuộc đời của mình để được biểu diễn nhạc Jazz với cô ca sĩ nổi tiếng. Mình tưởng phim sẽ kết tưng bừng, anh ấy sẽ nổi tiếng, khán giả sẽ trầm trồ và anh ấy mãn nguyện vì đạt được ước mơ của đời mình. 

Nhưng không, câu hỏi lớn hơn không phải là mục tiêu phấn đấu hay đam mê. Mà là có phải vì theo đuổi những điều đó, chúng ta không còn thấy điều gì ý nghĩa khác nữa hay không. Chính vì bộ phim không đi theo motiv đó, nên nó mới hay và thấm thía. 

Mình rất thích nhân vật “số 22”, thích cách số 22 tận hưởng cảm giác đi bộ, ăn một món ngon, những điều giản dị hàng ngày. Cảm giác đó rất thật, rất đáng trân trọng. 

Nguồn: Vietcetera

Bài trước Bài sau